TOEIC trong mắt người đi làm: Đề thi dễ, không có tác dụng trong công việc do học vẹt, học mẹo để lấy điểm
- Chị Như Nghĩa
- Tin tức
- 03/12/2018
Sự thực kỳ thi TOEIC ở Việt Nam có đánh giá được khả năng Tiếng Anh của một người không? Tại sao năm nào cũng có hàng nghìn sinh viên phải điêu đứng vì chứng chỉ TOEIC?
TOEIC (viết tắt của Test of English for International Communication – Bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế) là một bài thi nhằm đánh giá trình độ sử dụng tiếng Anh dành cho những người sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ (không phải tiếng mẹ đẻ), đặc biệt là những đối tượng muốn sử dụng tiếng Anh trong môi trường giao tiếp và làm việc quốc tế do Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) nghiên cứu và phát triển. Kết quả của bài thi TOEIC phản ánh mức độ thành thạo khi giao tiếp bằng tiếng Anh trong các hoạt động như kinh doanh, thương mại, du lịch… Kết quả này có hiệu lực trong vòng 02 năm và được công nhận tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
TOEIC hiện đang được sử dụng rộng rãi tại hơn 150 quốc gia trên thế giới với hơn 7 triệu bài thi/năm và là bài thi uy tín nhất được hơn 14.000 tổ chức sử dụng để đánh giá trình độ sử dụng tiếng Anh trong môi trường làm việc quốc tế.
Đã là sinh viên thì phải học TOEIC. Mỗi năm có hàng nghìn sinh viên chật vật không ra được trường vì không có bằng TOEIC
Nhiều trường Đại học, Cao đẳng tại Việt Nam đã đưa TOEIC vào chương trình giảng dạy và lựa chọn bài thi TOEIC để theo dõi sự tiến bộ trong việc học tiếng Anh đối với sinh viên theo từng học kỳ, năm học hoặc sử dụng làm chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên tốt nghiệp.
Một số trường có chuẩn đầu ra TOEIC cao có thể kể đến như: Trường ĐH Luật TP HCM - 500, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM - 530, ĐHQG TP HCM - 450, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM - 450, Đại học Tôn Đức Thắng - 500, Đại học Kinh Tế TP. HCM - 450, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân - 650, Học viện Ngoại giao - 600...
Yêu cầu đầu ra TOEIC ở nhiều trường ĐH hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên năm cuối gần như bất lực trước thời hạn xét tốt nghiệp, thậm chí hàng nghìn sinh viên còn bị treo bằng vì không có chứng chỉ này. Điển hình, mỗi khóa tại ĐH Mở TP.HCM, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn chỉ 40%-50%, khoảng 20% sinh viên chưa tốt nghiệp vì chưa có chứng chỉ ngoại ngữ.
Những ngày gần đây, khi nghe tin từ 15/02/2019, cấu trúc đề thi TOEIC sẽ thay đổi theo hướng khó hơn, hàng nghìn sinh viên đã thức trắng đêm, chen chúc nhau, giành giật từng suất đăng ký dự thi trước khi kỳ thi này trở nên hóc búa hơn.
Không cần đến bây giờ mới cảm nhận được sức nóng của kỳ thi TOEIC, chỉ cần gõ từ khoá TOEIC trên Facebook là nhận về hàng loạt kết quả các trang fanpage, group như: Tự học TOEIC, Hội những người học TOEIC đỉnh cao, Cùng học TOEIC 990, Ôn thi TOEIC miễn phí...
Bài thi TOEIC mà sinh viên cần phải trải qua để có chứng chỉ bao gồm 2 phần thi Listening và Reading, được thực hiện trong tổng thời gian 120 phút với 200 câu hỏi được đánh giá là không quá hóc búa, chủ yếu nhằm đánh giá khả nghe nghe, đọc, ngữ pháp, từ vựng cơ bản của một người học Tiếng Anh.
Nguyễn Ngọc Mai (nhân viên một công ty truyền thông lớn tại Hà Nội) - người từng học và thi được 800 điểm TOEIC cho biết: "Trong 3 kì thi phổ biến nhất hiện nay là TOEIC, TOEFL, IELTS thì TOEIC là kì thi dễ thở nhất bởi chỉ phổ biến 2 hình thức thi kĩ năng Listening và Reading. Phần thi Reading của Toeic mình thấy không quá đánh đố thí sinh, hợp lí. Còn Listening cần phải tập trung nghe nên khó hơn nhưng giọng đọc trong bài Listening của Toeic không quá khó, từ vựng ngữ pháp cũng ở mức cơ bản và trên cơn bản một chút."
Nguyễn Ngọc Mai, một người từng thi TOEIC cách đây rất lâu và nhận được 800 điểm cho rằng đề thi không quá khó
Điểm TOEIC cao nhưng khi đi làm hầu như không áp dụng được bao nhiêu vì chỉ học vẹt, học tủ, học để lấy điểm
Sinh viên nào cũng chật vật thi TOEIC, thậm chí theo IIG Việt Nam (đại diện Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ - ETS tại TP HCM), trong quá trình xác minh chứng chỉ TOEIC của các trường, họ liên tục phát hiện nhiều trường hợp gian lận và làm giả mạo kết quả, cấm thi TOEIC trong thời gian 3 năm.
Thế nhưng, theo đánh giá của nhiều người đã từng thi TOEIC và đang đi làm trong môi trường sử dụng Tiếng Anh chuyên hoặc không chuyên, chứng chỉ này hầu như không có ý nghĩa là bao trong việc nói lên khả năng Tiếng Anh của một người.
Ngọc Mai nói rằng: "Khẳng định chắc chắn là chứng chỉ TOEIC không có tác dụng gì khi đi làm. Vì mục đích mình thi TOEIC chỉ bởi vì khi học đại học, nếu được >600 điểm TOEIC sẽ được miễn học miễn thi Tiếng Anh. Bằng TOEIC của mình sắp hết hạn, từ lúc thi tới giờ mình chưa dùng gì ngoài việc gửi cho trường Đại học để miễn học miễn thi."
Ninh Thị Phương Linh, cựu sinh viên Đại học Hà Nội cũng nói rằng: "Đề TOEIC thực ra rất dễ, nếu chăm một chút, có mẹo là được ngay 600, 700 điểm. Nhưng thi rồi để đó, ra trường đi làm TOEIC không có nghĩa lý gì hết. Vì ở Việt Nam chỉ thi 2 khả năng Nghe và Đọc, trong khi làm việc yêu cầu giao tiếp, viết, hiểu nhiều hơn."
Chị Loan, nhân viên tổ chức sự kiện ở Hà Nội, cựu sinh viên Học viện Tài chính chia sẻ: "Mình chỉ dùng bằng TOEIC để nộp khi xin việc, như 1 chứng chỉ để chứng minh mình có đủ vốn Tiếng Anh để làm việc. Tuy nhiên khi đi làm gặp phải khách nước ngoài, mình không nhớ nhiều những gì đã học mà chỉ lựa theo tình huống để biểu đạt cho khách hiểu, bản thân cũng nhận ra mình dùng sai rất nhiều ngữ pháp."
Hay như Tuấn Anh, một du học sinh Việt tại thành phố Birmingham, Anh, người từng có 850 điểm TOEIC và 7.5 điểm IELTS cũng khá gay gắt khi nói về tình trang học TOEIC của sinh viên Việt Nam: "Học TOEIC ở Việt Nam đa số là học theo mẹo, học vẹt từng dạng câu, dạng đề, thậm chí còn học tủ cả bộ sách. Ngay cả thầy cô nhiều người cũng dạy theo mẹo để làm bài mà không dạy khả năng Tiếng Anh thật sự vì sinh viên chỉ cần nâng điểm TOEIC chứng chẳng cần kiến thức làm gì."
Quả đúng là khi tìm trên Google sẽ ra hàng loạt kết quả về mẹo làm bài thi TOEIC điểm cao cho sinh viên. Nhiều người thi điểm 500, 600 nhưng chẳng thể giao tiếp được, không nói được một câu trọn vẹn.
Nếu học hành tử tế, điểm thi TOEIC sẽ phản ánh đúng khả năng, thực lực Tiếng Anh của người đọc. Bài thi TOEIC đã được sử dụng bởi gần 14.000 tổ chức tại 160 quốc gia để đánh giá trình độ Tiếng Anh trong môi trường làm việc quốc tế, vì thế ý nghĩa của bài thi này không hề nhỏ. TOEIC chỉ thực sự giảm ý nghĩa khi người học học sai phương pháp, học vẹt, học tủ để lấy đủ điểm ra trường mà không màng đến việc trau dồi kiến thức.
Với mục đích đánh giá khả năng sử dụng Tiếng Anh trong môi trường làm việc hàng ngày, bài thi TOEIC có nội dung thiết thực và không có nhiều câu hỏi mang tính đánh đố. Người thi không cần mất quá nhiều công sức ôn tập để có thể đạt điểm số TOEIC tốt.
Theo các nghiên cứu của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS), kết quả thi TOEIC Nghe và Đọc có tương quan chặt chẽ (trên 80%) đến khả năng Nói và Viết của người thi, làm tiền đề tốt để tiến tới chinh phục 2 mục tiêu cao hơn là TOEIC Nói và TOEIC Viết.
Từ ngày 15/02/2019, đề thi TOEIC sẽ xuất hiện những dạng bài tập mới, từ vựng trong đề cũng gần với thực tiễn đời sống hơn. Hi vọng mỗi sinh viên cầm trên tay chứng chỉ TOEIC sẽ có đủ 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết để áp dụng vào đời sống cũng như công việc.